Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội với sứ mệnh đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao, trình độ cao trong khoa học và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và các nhóm nhân lực khác trong lĩnh vực giáo dục, nhà trường đã và đang triển khai mô hình đào tạo mở - mô hình đào tạo liên thông, kết hợp (a+b) trong một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trong Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Giáo dục tự hào đã khẳng định vị thế và thương hiệu trên bản đồ khoa học giáo dục Việt Nam, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Chú trọng việc hình thành và rèn luyện giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các nhà giáo dục tương lai
Trường Đại học Giáo dục với triết lý giáo dục nhân bản và khai phóng, hướng đến mục tiêu giáo dục: đào tạo người học có nhân cách trưởng thành, vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp; có tinh thần, thái độ tận tâm và sự sáng tạo trong công việc.
Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục GS.TS. Nguyễn Quý Thanh gặp mặt sinh viên trong ngày đầu nhập học.
Kể từ năm 2019 cho đến nay, học phần Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục đã được đưa vào triển khai trong chương trình đào tạo ở bậc cử nhân của Trường Đại học Giáo dục. Học phần này được thiết kế gồm 4 nhóm thành phần: (1) Ý thức chấp hành nội quy, quy chế và tham gia các hoạt động chính trị xã hội, đoàn thể; (2) Ý thức và kết quả học tập; (3) Lối sống tác phong; (4) Mối quan hệ với các đối tượng; được triển khai trong suốt 4 năm học (tương ứng với 8 học kỳ) và được tổ chức theo hình thức dạy học kết hợp (Blended Learning), với mô hình lớp học đảo ngược (Flipped Classroom), được quản lý trên nền tảng quản lý hoạt động học tập LMS (Learning Management System) của Nhà trường.
Học phần Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục được cụ thể hoá thành 18 KPI
Học phần Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, các chuẩn đầu ra được cụ thể hóa thành 18 KPI (Key Performance Indicator – các hành vi xác định mà người học cần thực hiện trong một thời gian, bối cảnh, điều kiện nhất định). Mỗi học kỳ, sinh viên cần hoàn thành một số KPI nhất định, tương ứng với đặc điểm nhận thức và chương trình học tập. Sinh viên có cơ hội được rèn luyện các giá trị và kỹ năng sống, hướng tới hình thành phẩm chất chuẩn mực của nhà giáo dục.
Thông qua học phần này, sinh viên sẽ hiểu và nắm vững các hệ giá trị, văn hóa, đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục; hệ thống hóa các văn bản luật, chuẩn, hướng dẫn liên quan đến đạo đức nghề nghiệp đối với nhà giáo dục (giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ tham vấn và nghiên cứu giáo dục); thực hành và làm mẫu được cách thức xử lý các tình huống thực tiễn cũng như giả định trong các điều kiện hoàn cảnh khác nhau trong hoạt động nghề nghiệp; yêu, tôn trọng và hạnh phúc với nghề nghiệp; trách nhiệm, khoan dung với người học; trung thực và hợp tác với đồng nghiệp, phụ huynh.
Trường Đại học Giáo dục chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các nhà giáo dục tương lai.
Quan tâm đến định hướng phát triển và trải nghiệm nghề nghiệp cho sinh viên
Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao, trình độ cao trong khoa học giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên nói riêng và các nhóm nhân lực trong lĩnh vực giáo dục nói chung.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Trường Đại học Giáo dục đã và đang nỗ lực mở rộng cơ hội tiếp cận, học hỏi và thực hành nghề nghiệp cho sinh viên trong các môi trường giáo dục đa dạng như: Hệ thống các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập, trường thực hành, trường chất lượng cao, trường tư thục, trường tư thục giảng dạy chương trình quốc tế, trung tâm, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.
Sinh viên được tham gia vào các chương trình thực tập, thực tế, tham quan và trải nghiệm nghề nghiệp với các hoạt động tổ chức, quản lý hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục, trải nghiệm, hướng nghiệp và hoạt động tham quan, thực hành tại các cơ sở giáo dục. Điều này không chỉ giúp sinh viên áp dụng kiến thức đã học vào thực tế mà còn mở rộng mạng lưới quan hệ nghề nghiệp, tạo cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Hình ảnh sinh viên Trường Đại học Giáo dục thực tập tại Trung tâm Kiểm định Chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trường Đại học Giáo dục nhấn mạnh việc định hướng phát triển nghề nghiệp cho sinh viên ngay từ những năm đầu đại học. Chương trình đào tạo không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn giúp sinh viên xây dựng lộ trình nghề nghiệp cụ thể thông qua các khóa học kỹ năng mềm, tư vấn nghề nghiệp, và các buổi hội thảo với các chuyên gia trong ngành. Qua đó giúp sinh viên tự tin hơn trong việc định hướng và phát triển sự nghiệp của mình.
Mục tiêu của mô hình thực hành, trải nghiệm nghề nghiệp tại Trường Đại học Giáo dục hướng đến việc trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ để sinh viên có tri thức sâu và rộng về khoa học chuyên ngành; biết cách sử dụng tri thức chuyên môn để thúc đẩy hoạt động học tập, hoạt động giáo dục của người học; biết nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình thông qua hoạt động thực tiễn; bên cạnh đó, sinh viên sư phạm còn được luyện tập, trau dồi nhiều kỹ năng phát triển cá nhân, kỹ năng tương tác xã hội; có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh khoa học khoa học giáo dục và khoa học sư phạm.
Hơn 1.000 sinh viên Trường Đại học Giáo dục tham gia trải nghiệm tại Hệ thống giáo dục Vinschool.
Bên cạnh đó, Nhà trường chủ động hợp tác và xây dựng mạng lưới các trường thực hành và trải nghiệm nghề nghiệp cho sinh viên thông qua việc tích cực tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.
100% các học phần do Trường Đại học Giáo dục phụ trách được tổ chức đào tạo theo hình thức Blended learning
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những cơ sở giáo dục đại học đã áp dụng phương pháp học tập kết hợp cho thấy mức độ hoàn thành bài học và kết quả học tập của người học được nâng cao và kĩ năng tương tác của người học cao đáng kể.
Để mô hình dạy học Blended learning thành công và hiệu quả, Trường Đại học Giáo dục đã triển khai các học phần đào tạo theo hình thức dạy học kết hợp, với mô hình lớp học đảo ngược. Sản phẩm của toàn bộ quá trình sẽ được tích lũy qua hệ thống quản lý học tập LMS của Nhà trường dưới sự kiểm tra, đánh giá định kỳ của giảng viên/giáo viên hướng dẫn.
Thông qua hệ thống LMS, sinh viên được hỗ trợ và kết nối với người hướng dẫn cũng như theo dõi kế hoạch học tập. Việc tự học trực tuyến thông qua các lớp học ảo giúp người học chủ động thời gian, học mọi lúc mọi nơi, rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình học.
Sinh viên học tập trên hệ thống LMS.
Các định dạng sản phẩm học tập của sinh viên cũng được đa dạng hóa như: video bài giảng; video hướng dẫn hoạt động giảng dạy/giáo dục, kế hoạch/giáo án bài dạy, hoạt động kiểm tra đánh giá trên hệ thống… nhằm giúp các sinh viên thích nghi được với bối cảnh đổi mới giáo dục.
Chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học sinh viên
Trong khoảng 5 năm qua, Trường Đại học Giáo dục đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên theo hướng đi vào bản chất, giao đề tài theo hướng cạnh tranh và cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học tiềm năng, đặc biệt là các sản phẩm mang tính ứng dụng. Người học được đứng tên chủ trì đề tài và kí kết hợp đồng theo đơn đặt hàng của Trường với các mức tài trợ tối đa lên đến 20 triệu đồng/đề tài.
Nhiều công bố nghiên cứu khoa học của sinh viên được đăng trên các tạp chí về khoa học giáo dục uy tín trong nước và quốc tế, trong đó có những bài công bố được đăng trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI/SCOPUS.
Hội thảo khoa học sinh viên mở rộng.
Hàng năm, Hội thảo nghiên cứu khoa học cho sinh viên được tổ chức với sự tham gia, báo cáo không chỉ của sinh viên Trường Đại học Giáo dục mà còn mở rộng cho sinh viên các trường có đào tạo về sư phạm trên toàn quốc.
Lộ trình học tập suốt đời dành cho người học
Hướng tới mục tiêu khép kín và hoàn thiện chu trình đào tạo ở các bậc học từ trung học phổ thông, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, Trường Đại học Giáo dục đã nỗ lực mang đến cho người học lộ trình học tập, nghiên cứu và phát triển liên tục ở những bậc học cao hơn thông qua việc xác định tính liên thông, liên kết trong khung thiết kế chương trình đào tạo: Từ 16 ngành đào tạo cử nhân tới 12 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 4 chương trình đào tạo tiến sĩ.
Là sinh viên của một trong các trường, đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, người học được học tập và nghiên cứu tại đại học nằm trong Top 1000 đại học hàng đầu thế giới. Là sinh viên của Trường Đại học Giáo dục, sinh viên được lĩnh hội kiến thức bởi các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về khoa học giáo dục và sư phạm, có cơ hội học bằng kép tại các trường đại học thành viên cũng như cơ hội nhận được học bổng đến từ các tổ chức, chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và quốc tế.
Với những điểm đặc sắc trong chương trình đào tạo, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng một môi trường đào tạo lý tưởng, hướng đến sự phát triển toàn diện cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu của xã hội, nuôi dưỡng đam mê cho các bạn trẻ yêu thích và theo đuổi ước mơ phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục.
Thí sinh có thể tham khảo thêm về thông tin tổng hợp tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 tại: